Sunday, February 20, 2005

Núi Đỗ Quyên

(Trích "Núi Đỗ Quyên" - tuyển tập Nguyễn Thành Long)

Dưới hai nghìn mét vẫn là rừng nhiệt đới, như ở đây thôi, chưa có gì thật lạ. Sồi, thông reo, pơ mu, linh sam, thiết sam...Và gió. Sao nhiều gió thế ! Gió và mây. Cứ leo lên một nấc lại cảm thấy rõ mây đặc hơn một chút, gió cũng đặc hơn một chút. Nhiều lúc bất giác đưa tay vơ một nắm, không biết trong tay là gió hay là mây. Trên hai nghìn mét là vương quốc của trúc cần câu. Đang đi, bỗng nghe một tiếng xao động ríu rít, rung chuyển mênh mông rất khác thường, ngày càng nhặt, ngày càng gấp, như sóng biển xô tới : ngửng lên bao lá trúc. Cây trúc ở đây chỉ phần dưới là có lá, ngọn vàng cao vút, mỗi ngọn là một ống sáo. Trong cái tình yêu cô quạnh của trên cao, con tưởng tượng xem, triệu triệu đàn sáo réo rắt lên như vậy. Càng leo lên mình đã càng có cái hồi hộp của người chờ đợi rồi, tiếng sáo trúc lạ lùng ấy lại làm cho mình thêm phập phồng, báo hiệu một cái gì còn kỳ ảo hơn nữa. Đúng : tiếng nhạc đưa mình đến một vườn hoa. Trên trời, dưới đất, bên phải, bên trái đều là hoa. Hoa đỗ quyên chi chít rực núi, như một bức tranh sơn mài. Phanxipăng, tiếng Mèo là hoa đỗ quyên mà. (*)

Ba về nhà, trong đầu bây giờ còn ngời màu hoa đỗ quyên trên núi Phanxipăng. Hoa trúc anh đào, hoa hồng bạch, hoa bêgônha, hoa etscôla..., những thứ hoa dưới đồng bằng không có. Phong lan giắt lên khắp mọi cây cổ thụ, lẵng này nối lẵng khác, lẵng vàng, lẵng tím, lẵng trắng trùm lên mỗi cây từ đỉnh xuống gốc. Và chè. Chè cũng cổ thụ, thân chè cũng đầy lan.

Có hoa đẹp, có chè ngon, cảnh tiên người ta nghĩ xưa nay là thế. Bỗng nhiên chấm dứt lan, chấm dứt hoa. Ấy là đã vượt qua hai nghìn sáu trăm mét. Cây cối đột ngột trở nên rất dữ, địa y rất dày, và dưới chân ba, không phải đá nữa mà là mùn. Mùn này dày hàng mét, tích hàng trăm năm, nước đen đặc, mùi cay như mùi rượu, giẫm lên cứ nghe lùng nhùng, bập bênh. Cây không bíu vào đất nữa mà như đặt trên những cái kiềng chỏng trơ, tưởng hất khẽ một cái là có thể đổ. Hai nghìn chín trăm ba mươi sáu mét, có cái cột Cục bản đồ cắm, trên cột là lá cờ Việt Nam. Tại sao ba bồi hồi thế ? Tại sao ba ngồi dưới lá cờ ấy và ứa nước mắt ?

Toàn bộ núi Phanxipăng không có ánh nắng, chỉ có ánh trăng thôi. Mặt trời xuyên qua mây đặc gạn lọc thành ánh trăng suốt ngày xanh dịu. Chiều hôm ấy, ngay lúc ngồi dưới cờ Việt Nam ấy, bị một cơn mưa đá. Năm cơn mưa đá liền. Lúc bấy giờ ở trên ấy là năm độ trên không, ở dưới đây là mười lăm độ. Phải dựng lều ở lại đêm, lấy đá nấu nước uống. Sáng hôm sau, lên đỉnh. Đỉnh Phanxipăng là một tảng đá hoa cương khổng lồ, trắng muốt, sáng ngời, kê trên mấy hòn đá nhỏ, hình thù cứ giống một cái bàn, kiểu thật hiện đại...Nóc nhà của Tổ quốc ta đấy con ạ. Ba trong lòng sướng lắm, cứ phơi phới như có cánh bay. Như có một cái gì lớn lắm, khó lắm, mình mong mỏi suốt một đời, nay mới đạt được. Mình toại nguyện rồi, giờ có chết cũng cam tâm. Cuộc đời của ba, gian khổ thật đấy, nhưng ba không đến nỗi sống uổng. Ba bất giác quay về hướng kia của đất nước ta tìm bóng má, nghĩ về má trên đỉnh cao vòi vọi đó. Ba có cảm giác thật lạ : chưa bao giờ ba thấy ba yên tâm như vậy. Ba nằm xuống phiến đá hoa cương, lâng lâng thiếp ngủ một giấc dài...

* : nhưng với đường dẫn dưới đây thì các bạn lại thấy người ta giải thích tên "Phanxipăng" theo một cách khác.

http://www.laocai.org/dulich/sapa/thangcanh/phanxipang.shtml

...Đỉnh tột cùng của dãy Hoàng Liên cao 3.143m là một khối đá khổng lồ, ngời sáng kê trên những hòn đá nhỏ giống như chiếc bàn - đỉnh Phan-xi-păng. Phan-xi-păng là phát âm theo tiếng địa phương "Hua- xi-pan" có nghĩa "phiến đá lớn"

Hoàng Liên Sơn còn là vương quốc của các loài hoa: hoa Đỗ quyên, Phong Lan, Hoàng Anh rực rỡ, hoa Bgônha, hoa Etscola.. quý hiếm. Riêng hoa Đỗ quyên có tới 4 chi với hai chục loài khác nhau. Ở nước ta có 111 chi phong lan với 634 loài thì riêng Phan-xi-păng có tới 330 loài.Đến với khu rừng nguyên sinh trên sườn núi Phan-xi-păng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các cây cổ thụ từ đỉnh tới gốc như được khoác tấm áo phong lan lẵng vàng, lẵng tím rung rinh trước gió...