Hoa Đỗ Quyên

Sunday, February 20, 2005

Hoa Đỗ Quyên

Dịu dàng - Ôn hòa

Họ : Ericaceae hay Heath (Thạch nam)
Đỗ quyên còn có tên là sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa

Đỗ quyên có nhiều giống với nhiều màu hoa :
- Tử quyên đỏ tía
- Hồng quyên đỏ nhạt
- Bạch quyên trắng
- Hoàng quyên vàng


Tên tiếng Anh : Rhododendron, (Azalea là một nhánh cũng thuộc trong họ cây đỗ quyên này).

Ý nghĩa : Dịu dàng, ôn hòa, nữ tính (theo quan niệm Trung Hoa).

Thông điệp : Nhớ chăm sóc và giữ gìn sức khỏe em nhé ! (Take care of yourself for me)

Đỗ quyên (Rhododendron, Azalea) là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng của nó. Cây có nguồn gốc ôn đới, mọc nhiều ở những vùng núi cao, thích hợp với khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỗ quyên rất sợ nắng và nơi không thoát nước (vì thế Rhodonendron còn được gọi là họ cây khô). Rhododendron rất đa dạng phong phú về chủng loại, kích cỡ và màu sắc. Trên thế giới, đỗ quyên phân bố nhiều ở vùng ôn đới Bắc Mĩ, vùng cao nguyên tiếp giáp Á - Âu và Đông Á, khá phổ biến ở Nhật và Bắc Triều Tiên. Hoa đỗ quyên cũng hay được nhắc đến trong các tác phẩm nghệ thuật như thi ca và hội họa Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc...Ở Việt Nam, đỗ quyên có ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, làng Trình Xuyên bên bờ sông Trà Lý phụ cận thành phố Nam Định...

Rhododendron được chọn là quốc hoa (national flower) xứ Nepal và biểu tượng hoa (state flower) của hai tiểu bang Washington, West Virginia ở Mĩ. Năm 1979, Azalea (một loài Rhododendron) cũng được bang Georgia chọn làm "state wildflower" - biểu tượng hoa dại (state flower của Georgia là Cherokee Rose).


Những bài thuốc từ cây đỗ quyên

Cây đỗ quyên còn có nhiều ứng dụng chữa bệnh, các bạn có thể xem chi tiết những bài thuốc theo đường dẫn dưới đây :

http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2002/04/3B9BACEF/

Hoa đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ đàm, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, phong thấp, thổ huyết...

Lá đỗ quyên vị chua, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, chủ trị ung thũng, mụn nhọt, xuất huyết do chấn thương, dị ứng, viêm khí phế quản...

Rễ đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ phong thấp, giảm đau; được dùng để chữa các chứng xuất huyết, kinh nguyệt không đều, băng lậu, trĩ xuất huyết, lỵ, viêm khớp...


Lali Guras (Rhododendron arboreum) - quốc hoa xứ Nepal

Ai đó từng nói, vẻ đẹp trọn vẹn của Nepal chỉ có thể nghiệm ra được sau khi bạn nhìn thấy những chùm đỗ quyên nở tươi tắn dưới những cây linh sam nơi xứ sở huyền thoại của những vị thần núi này.

Nepal có 30 loài Rhododendron với nhiều kiểu dáng, màu sắc và kích thước khác nhau. Và Rhododendron arboreum, tên địa phương là Lali Guras (tiếng Anh : "Rose Tree"), loài cây cao nhất (có thể đến 15m), hoa nở sớm và lâu nhất trong gia đình Rhododendron tại đây, hân hạnh được Nepal chọn làm quốc hoa. Lali Guras có nguồn gốc từ Bắc Trung bộ Ấn Độ, phân bố dọc xứ sở Nepal và ở nhiều độ cao khác nhau. Càng lên cao, hoa càng nở rực rỡ sắc màu, từ đỏ thẫm đến trắng ngà, tím, hồng, cam, vàng, kem, đốm...Ai đã ngắm cảnh núi đồi ngập tràn hoa đều thấy đây quả là những ấn tượng khó phai. Mùa đỗ quyên xứ Nepal nở đẹp nhất là mùa Xuân và chớm Hè. Lila Guras nở từ đầu tháng Hai đến giữa tháng Năm. Tháng 3, tháng 4 là thời gian đẹp nhất ở trung du, trong khi đó, tháng 5 và tháng 6 là đẹp nhất trên cao nguyên.

Người dân bản xứ cho rằng uống một ngụm nước cốt hoa Lali Guras có thể hòa tan được xương cá mắc trong cổ họng. Nhiều người còn giữ hoa trong nhà sẵn phòng khi khẩn cấp. Hoa cũng được chưng nơi thờ các vị thần và được những phụ nữ miền núi cài trên tóc làm duyên.

Người ta ăn cả hoa, có vị ngọt chua. Trẻ con thôn làng thích hút mật trong nhụy hoa. Gỗ cây dễ chặt, người dân dùng làm củi hay dụng cụ nhà bếp. Bột nhão giã từ lá non, dân làng đắp lên trán trị chứng đau đầu. Người ta còn sử dụng hương của hoa để thơm.


Đỗ quyên - biểu tượng hoa của West Virginia và Washington

Năm 1893, Hội chợ quốc tế (World''''s Fair) tại Chicago đã thúc đẩy phong trào chọn biểu tượng hoa cho các tiểu bang tại Mĩ. Mỗi bang được mời phải chọn một loài hoa đặc trưng làm đại diện cho mình tại Hội chợ.

Hai tiểu bang nhiều núi đồi nhất nước Mĩ, West Virginia và Washington đã chọn đỗ quyên làm biểu tượng hoa của mình.

West Virginia - Rhododendron maximum (Rose bay)

Thực ra, lúc đó người dân xứ này vẫn còn băn khoăn chưa chọn được loài hoa ưng ý nhất cho tiểu bang mình. Mãi tới năm 1901, nhà cầm quyền George Atkinson tuyên bố, đã đến lúc phải chọn cho Virginia mẫu cờ và biểu tượng hoa của tiểu bang. Ông đề cử hoa đỗ quyên. “For a State Flower, I know none more beautiful and none more common in West Virginia, than the Rhododendron. It is found along most every vale and hillside, and is universally admired both for its beauty and fragrance.”

Rồi người ta bắt đầu đưa ra những bông hoa yêu thích khác của mình, cả trẻ em cũng được tham gia. Và như vậy, ngày 26/11/1902, Rhododendron hay "Big Laurel" ("Đại Nguyệt Quế) đã chiến thắng áp đảo với 19,000 trên tổng số 36,000 phiếu, nhiều hơn tất cả những loài hoa khác hợp lại. Đến 23/1/1903, Thượng viện thông qua và loài Rhododendron maximum chính thức trở thành State flower.

Washington - Rhododendron macrophyllum

Trong lá thư gửi ban biên tập một tờ báo khi đề cử hoa đỗ quyên cho vị trí State flower của Washington, bà Alsora Hayner Fry đã ca ngợi nó : "its wild profusion, great beauty and its evergreen leaf, which goes with the Evergreen State.”

Cuộc bỏ phiếu kín để chọn bông hoa đại diện cho tiểu bang Washington khi đó chỉ dành cho phụ nữ. Thượng viện đã xác định Rhododendron là State flower ngày 10/2/1893, nhưng đến 10/2/1949 thì điều này mới chính thức đưa vào luật.

Năm 1959, luật sửa đổi một chút, trong đó chỉ định rõ loài đỗ quyên Thái Bình Dương màu hồng (Pacific Pink Rhododendron) Rhododendron macrophyllum có nghĩa tiếng Anh là Rose tree with large leaves.




Oshin 13/7/2005
(soạn và tổng hợp)

Núi Đỗ Quyên

(Trích "Núi Đỗ Quyên" - tuyển tập Nguyễn Thành Long)

Dưới hai nghìn mét vẫn là rừng nhiệt đới, như ở đây thôi, chưa có gì thật lạ. Sồi, thông reo, pơ mu, linh sam, thiết sam...Và gió. Sao nhiều gió thế ! Gió và mây. Cứ leo lên một nấc lại cảm thấy rõ mây đặc hơn một chút, gió cũng đặc hơn một chút. Nhiều lúc bất giác đưa tay vơ một nắm, không biết trong tay là gió hay là mây. Trên hai nghìn mét là vương quốc của trúc cần câu. Đang đi, bỗng nghe một tiếng xao động ríu rít, rung chuyển mênh mông rất khác thường, ngày càng nhặt, ngày càng gấp, như sóng biển xô tới : ngửng lên bao lá trúc. Cây trúc ở đây chỉ phần dưới là có lá, ngọn vàng cao vút, mỗi ngọn là một ống sáo. Trong cái tình yêu cô quạnh của trên cao, con tưởng tượng xem, triệu triệu đàn sáo réo rắt lên như vậy. Càng leo lên mình đã càng có cái hồi hộp của người chờ đợi rồi, tiếng sáo trúc lạ lùng ấy lại làm cho mình thêm phập phồng, báo hiệu một cái gì còn kỳ ảo hơn nữa. Đúng : tiếng nhạc đưa mình đến một vườn hoa. Trên trời, dưới đất, bên phải, bên trái đều là hoa. Hoa đỗ quyên chi chít rực núi, như một bức tranh sơn mài. Phanxipăng, tiếng Mèo là hoa đỗ quyên mà. (*)

Ba về nhà, trong đầu bây giờ còn ngời màu hoa đỗ quyên trên núi Phanxipăng. Hoa trúc anh đào, hoa hồng bạch, hoa bêgônha, hoa etscôla..., những thứ hoa dưới đồng bằng không có. Phong lan giắt lên khắp mọi cây cổ thụ, lẵng này nối lẵng khác, lẵng vàng, lẵng tím, lẵng trắng trùm lên mỗi cây từ đỉnh xuống gốc. Và chè. Chè cũng cổ thụ, thân chè cũng đầy lan.

Có hoa đẹp, có chè ngon, cảnh tiên người ta nghĩ xưa nay là thế. Bỗng nhiên chấm dứt lan, chấm dứt hoa. Ấy là đã vượt qua hai nghìn sáu trăm mét. Cây cối đột ngột trở nên rất dữ, địa y rất dày, và dưới chân ba, không phải đá nữa mà là mùn. Mùn này dày hàng mét, tích hàng trăm năm, nước đen đặc, mùi cay như mùi rượu, giẫm lên cứ nghe lùng nhùng, bập bênh. Cây không bíu vào đất nữa mà như đặt trên những cái kiềng chỏng trơ, tưởng hất khẽ một cái là có thể đổ. Hai nghìn chín trăm ba mươi sáu mét, có cái cột Cục bản đồ cắm, trên cột là lá cờ Việt Nam. Tại sao ba bồi hồi thế ? Tại sao ba ngồi dưới lá cờ ấy và ứa nước mắt ?

Toàn bộ núi Phanxipăng không có ánh nắng, chỉ có ánh trăng thôi. Mặt trời xuyên qua mây đặc gạn lọc thành ánh trăng suốt ngày xanh dịu. Chiều hôm ấy, ngay lúc ngồi dưới cờ Việt Nam ấy, bị một cơn mưa đá. Năm cơn mưa đá liền. Lúc bấy giờ ở trên ấy là năm độ trên không, ở dưới đây là mười lăm độ. Phải dựng lều ở lại đêm, lấy đá nấu nước uống. Sáng hôm sau, lên đỉnh. Đỉnh Phanxipăng là một tảng đá hoa cương khổng lồ, trắng muốt, sáng ngời, kê trên mấy hòn đá nhỏ, hình thù cứ giống một cái bàn, kiểu thật hiện đại...Nóc nhà của Tổ quốc ta đấy con ạ. Ba trong lòng sướng lắm, cứ phơi phới như có cánh bay. Như có một cái gì lớn lắm, khó lắm, mình mong mỏi suốt một đời, nay mới đạt được. Mình toại nguyện rồi, giờ có chết cũng cam tâm. Cuộc đời của ba, gian khổ thật đấy, nhưng ba không đến nỗi sống uổng. Ba bất giác quay về hướng kia của đất nước ta tìm bóng má, nghĩ về má trên đỉnh cao vòi vọi đó. Ba có cảm giác thật lạ : chưa bao giờ ba thấy ba yên tâm như vậy. Ba nằm xuống phiến đá hoa cương, lâng lâng thiếp ngủ một giấc dài...

* : nhưng với đường dẫn dưới đây thì các bạn lại thấy người ta giải thích tên "Phanxipăng" theo một cách khác.

http://www.laocai.org/dulich/sapa/thangcanh/phanxipang.shtml

...Đỉnh tột cùng của dãy Hoàng Liên cao 3.143m là một khối đá khổng lồ, ngời sáng kê trên những hòn đá nhỏ giống như chiếc bàn - đỉnh Phan-xi-păng. Phan-xi-păng là phát âm theo tiếng địa phương "Hua- xi-pan" có nghĩa "phiến đá lớn"

Hoàng Liên Sơn còn là vương quốc của các loài hoa: hoa Đỗ quyên, Phong Lan, Hoàng Anh rực rỡ, hoa Bgônha, hoa Etscola.. quý hiếm. Riêng hoa Đỗ quyên có tới 4 chi với hai chục loài khác nhau. Ở nước ta có 111 chi phong lan với 634 loài thì riêng Phan-xi-păng có tới 330 loài.Đến với khu rừng nguyên sinh trên sườn núi Phan-xi-păng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các cây cổ thụ từ đỉnh tới gốc như được khoác tấm áo phong lan lẵng vàng, lẵng tím rung rinh trước gió...